Độc đáo mô hình cây chè Shan Tuyết
05/04/2022 | Tác giả: Phương Nguyễn
BHG - Được triển khai từ cuối năm 2020, mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi” tại huyện Hoàng Su Phì mở ra một hướng đi mới cho cây trồng thế mạnh của địa phương, góp phần đa dạng hóa phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Người dân xã Thông Nguyên thu hái chè Shan tuyết. Ảnh: TƯ LIỆU |
Tháng 10.2020, đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT có chuyến thực tế vườn chè Shan tuyết cổ thụ của bà con dân tộc Dao đỏ tại thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên. Nhận thấy đây là cây trồng mũi nhọn với các sản phẩm đa dạng được chế biến từ chè; đồng chí Trần Thanh Nam đã gợi mở cho HTX Chế biến chè Phìn Hồ phát triển mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi” và đích thân đặt mua tượng trưng 1 cây chè Shan tuyết cổ thụ 500 năm tuổi để phát động và hiện thực hóa ý tưởng này. Trước đó, mô hình này đã được triển khai rất thành công tại tỉnh Đồng Tháp với tên gọi “Cây Xoài nhà tôi”.
Với mô hình này, người mua và người bán sẽ thống nhất thời gian và giá bán cây chè trong một hoặc nhiều năm. Sau đó, người dân sẽ chăm sóc, thu hái sản phẩm từ cây chè theo tiêu chuẩn tốt nhất rồi chế biến, đóng gói sản phẩm mang thương hiệu riêng, rồi chuyển gửi cho người mua cây chè. Tất cả các gốc chè được mua đều đánh dấu trên Googlemap, sản phẩm chè có mã QR Code nên luôn truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng. Gốc cây chè Shan tuyết vẫn luôn thuộc quyền sở hữu của người bán và có trách nhiệm chăm sóc, bảo tồn phát triển cho cây chè. Hình thức thanh toán và giá cả theo thỏa thuận trả tiền 1 lần trong hợp đồng hoặc căn cứ theo thời vụ và sản lượng thu hoạch thực tế.
Chè thành phẩm sau khi đóng gói được dán nhãn, thuận tiện cho việc theo dõi thông tin dữ liệu. |
Triển khai thực hiện mô hình, UBND huyện Hoàng Su Phì xây dựng kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2025; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý mô hình để giúp công tác quản lý, theo dõi thông tin dữ liệu vùng trồng, dữ liệu cây chè, chủ sở hữu, hoạt động trao đổi mua bán, truy xuất nguồn gốc cây chè. Đồng chí Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hoàng Su Phì hiện có tổng diện tích cây chè trên 4.600 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 12.880 tấn/năm, giá trị thu nhập trên 115 tỷ đồng. Trên địa bàn còn có hơn 10.000 cây chè Shan tuyết có tuổi đời trên 100 năm tại các xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán. Với mục tiêu khai thác hiệu quả giá trị cây chè; xây dựng thương hiệu chè gắn với du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi” với kỳ vọng tạo nên sự bứt phá thương hiệu, định hướng cách làm mới để sản phẩm chè Shan tuyết địa phương vươn tới các thị trường trong nước và quốc tế.
Để gìn giữ, bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, huyện Hoàng Su Phì khuyến cáo người dân tuyệt đối không vặt lá già, không chặt cây, đào gốc hoặc di thực cây chè sang vị trí khác. Tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, chăm sóc và bảo tồn cây chè. Huyện cũng xây dựng khung giá bán các sản phẩm chè: Bạch trà 8 triệu đồng/kg; Trà xanh và Hồng trà (1 tôm, 1 lá) 2 triệu đồng/kg; Hồng trà và Trà xanh (1 tôm, 2 lá) 1 triệu đồng/kg; Trà xanh và Hồng trà (1 tôm, 3 lá trở lên) giá 500 nghìn đồng/kg… nhằm minh bạch giá bán cho các bên.
Là đơn vị tiên phong triển khai mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi”, hiện nay, HTX Chế biến chè Phìn Hồ đang thực hiện ký hợp đồng mua, bán gần 100 cây chè cổ thụ với các khách hàng trong và ngoài nước với thời gian từ 5 năm đến 10 năm. Đại diện HTX cho biết: Trong quá trình chăm sóc, chế biến chè, HTX luôn tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt. Không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà chỉ sử dụng phân ủ hoai mục để bón cho cây và dùng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại nhằm đảm bảo cung cấp tới tay người mua cây chè những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe. Việc thực hiện mô hình cũng giúp các thành viên HTX nâng cao thu nhập, không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Người mua cũng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên Googlemap, QR Code.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lý Chòi Nhàn cho biết: Mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi” mặc dù mới được triển khai hơn 1 năm nay, nhưng đã đem đến những kết quả rất khả quan. Nông dân đã có sự chuyển biến từ sản xuất nông nghiệp lấy sản lượng làm lợi nhuận sang hướng phát triển nông nghiệp chất lượng, hiện đại. Qua đó, góp phần xây dựng được niềm tin với khách hàng từ các sản phẩm nông sản có chất lượng, minh bạch trong sản xuất nhằm khai thác mạnh mẽ tiềm năng giá trị kinh tế cây chè Shan tuyết của địa phương, xây dựng thương hiệu bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân.